Sonntag, 27. Mai 2012

Từ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 tới cuộc tàn sát các chiến sĩ hải quân Việt Nam tại Trường Sa năm 1988

Thời gian gần đây, trước hành động xâm lăng ngày một ngang nhiên của Trung Quốc tại Biển Đông, hai chữ Hoàng Sa & Trường Sa đã trở thành một mẫu số chung cho cuộc tranh đấu chống quân xâm lăng Trung cộng và tập đoàn tay sai. Trong tinh thần này, Nhóm Blogger Tự Do trong cộng đồng mạng đã tìm cách góp phần trong khả năng vận động của mình qua công tác mệnh danh: “Không quên các chiến sĩ Hoàng Sa & Trường Sa”. Đề cao vai trò của những ai đã hy sinh mạng sống để bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo này là một việc làm chính nghĩa, đó là lý do một trong những việc làm đầu tiên của Nhóm là tổ chức viếng thăm và tặng quà một số chiến sĩ và quả phụ Hoàng Trường Sa. Các cuộc hải chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa
(1988) đã được diễn ra trong hai hoàn cảnh khác nhau bởi hai tổ chức quân đội Việt Nam khác nhau. Nhưng sự hy sinh của các chiến sĩ Hoàng Sa hay các chiến sĩ Trường Sa đều là những đóng góp cao cả cho quê hương nên phía sau Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có một dân tộc duy nhất: Dân Tộc Việt Nam. Cuộc viếng thăm và tặng quà các chiến sĩ Hoàng
Trường Sa đã được thực hiện bởi những người Việt ở trong và ngoài nước phối hợp với nhau bằng phương tiện Internet, điều này cho thấy Internet chẳng những là phương tiện để thông tin mà còn để phối hợp công việc, đó là lý do các chính quyền độc tài đã tìm mọi cách để phá hoại và ngăn cản mạng lưới Internet.

Nhắc tới hải chiến Hoàng Sa thì phải kể tới gương hy sinh anh dũng của vị hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ10 là Trung Tá Ngụy Văn Thà, hạm phó là Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí và thủy thủ đoàn. Vì vậy mà nhóm tổ chức đặt nặng vào việc thăm viếng gia đình các bà quả phụ Nguỵ Văn Thà và Nguyễn Thành Trí. Một nhân vật khác cũng được lưu ý là Thượng Sĩ Giám Lộ Lữ Công Bẩy, ông là một chiến sĩ phục vụ trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ4 và là tác giả một bài bút ký giá trị về trận Hoàng Sa, được đăng tải bởi cả báo chí trong nước lẫn báo trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại.

 

Cựu chiến sĩ Hoàng Sa Lữ Công Bảy

Lời Bùi Thanh: Trưa hôm nay , 19-1-2008, tôi có cuộc trò chuyện qua điện thọai với một người đàn ông lớn tuổi - người có mặt trong cuộc hải chiến Hòang Sa đúng 34 năm trước. Đó là Lữ Công Bảy, quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-04. 
Được phép của ông , tôi đưa lên blog những hồi ức 34 năm truớc, những sự việc được ông ghi lại trong một quyển vở học trò. Tôi, Bùi Thanh, đã rơi nước mắt khi đọc những dòng chữ của ông. Ông nói: "Tôi sợ các bạn trẻ quên nó, vì không biết và không nhớ gì về nó".
Bùi Thanh 

Biển động

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này thì sự việc đã xảy ra 34 năm (19.1.1974 - 19.1.2008). Đã 34 năm trôi qua, những gì mà tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì mà tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi. 
Hôm nay tôi ghi lại hồi ký này để tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VN đã hi sinh vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ phần đất mà tổ tiên ta đã khai phá và giữ gìn . 

Trích: Hải Chiến Hòang Sa - tường trình 34 năm sau (Hồi ức của nhân chứng Lữ Công Bảy trên chiến hạm HQ 4).

Ông Bẩy là nhân sự hướng dẫn cuộc thăm viếng chiến sĩ Hoàng Trường Sa tại Sài gòn. Ngoài ông còn có sự tham dự của một nhân sự quan trọng khác là cô Đinh Mỹ Lệ, con gái Liệt Sĩ Đinh Ngọc Doanh. Khi Trung Úy Doanh tử trận tại Trường Sa Lệ mới chỉ là một em bé được bồng trên lòng.

Vào ngày 9/4/2010, khi phái đoàn tới thăm viếng bà quả phụ Ngụy Văn Thà được hướng dẫn bởi ông Lữ Công Bẩy và cô Đinh Mỹ Lệ thì đây là sự việc có ý nghĩa đặc biệt.

Hai nhân vật then chốt trong công tác tặng quà là cô Đinh Mỹ Lệ (con gái Liệt sĩ Trường Sa Đinh Ngọc Doanh) và Chiến sĩ Hoàng Sa Lữ Công Bẩy (Giám Lộ Chiến hạm HQ4). Sự tham gia của 2 người đã nói lên rằng : Đằng sau Hoàng Sa & Trường Sa chỉ có một dân tộc Việt Nam, chiến đấu chống một kẻ thù là quân xâm lăng Trung cộng và tập đoàn tay sai.


Ông Nguyễn Đức Huy cùng phái đoàn đến thăm viếng và tặng quà cho gia đình bà quả phụ Ngụy Văn Thà (Hạm Trưởng Chiến hạm HQ10).


Phái đoàn tặng quà cho con trai và con gái Cố Hạm Phó HQ10 Nguyễn Thành Trí.

Quà tặng cũng được gửi tới bà quả phụ Đinh Ngọc Doanh hiện cư ngụ tại Cam Ranh do cô Lệ chuyển giao. Trong thư liên lạc với chúng tôi, cô Lệ viết:

Tối hôm 9/4, sau khi nhận được quà của  Bác (Bác Hoàng, Bác Thu - Nguyen) và Anh Huy, cháu đã gọi điện thoại về kể cho Má cháu nghe, dù cháu chưa biết nhiều về Các Bác và Anh   nữa. 

Sắp tới đây, ngày 23/04 ( nhằm ngày Giỗ tổ Hùng Vương), cháu sẽ về  Cam Ranh thăm Má cháu, cháu sẽ chuyển quà của Bác và Anh đến Má cháu.Và cũng sẽ kể chi tiết cho Má cháu nghe về Bác(Bác Hoàng, Bác Thu - Nguyen, Bác Bình, Bác Bảy), về Anh , về gia đình của Bác Trí, Bác Thà mà cháu đã được đi thăm vào hôm 09/04

Ngoài ra Nhóm cũng tổ chức thăm viếng và tặng quà cho chiến sĩ Hoàng Sa Trần Dục tại Huế và chiến sĩ Trường Sa Trương Văn Hiền tại Ban Mê Thuột.Ông Nguyễn Anh Toàn đã tới nhà cựu chiến sĩ Trần Dục tại Huế để thực hiện công tác trao tặng quà.


Ông Trần Dục đã gìn giữ huy hiệu trên 36 năm trời, mặc dù từ sau 30/4/1975 phải sống dưới một chế độ luôn có chính sách trả thù những người đã phục vụ cho chế độ củ. Điều này cho thấy sự trân quí và niềm hãnh diện của chiến sĩ Hoàng Sa Trần Dục, về thời gian ông phục vụ trên chiếc Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ 4).


Người sau cùng được viếng thăm là anh Trương Văn Hiền, mặc dù anh đang sống tại một ấp hẻo lánh trong vùng Ban Mê Thuật. 
Trong vụ các chiến sĩ hải quân Việt Nam bị Trung cộng tàn sát tại  bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa, có 64 chiến sĩ bị bắn chết tại chỗ khi đang đứng nửa mình ngâm dưới nước. Anh Hiền là 1 trong số 9 người bị thương và được tầu Trung cộng vớt, bị giam trong 3 năm trước khi được trao trả lại cho phía Việt Nam.

Hình anh Trương văn Hiền khi bị Trung cộng bắt làm tù binh


Trương văn Hiền ngày nay


Anh Hiền bị thương ở chân, theo chị Phượng vợ của anh tâm sự thì:
- “Anh yếu không làm gì được nhiều. Nhiều đêm đang ngủ anh kêu đau buốt đầu gối như có con gì bò ở trong, khó chịu lắm, khổ sở lắm, mà nào có tiền đi khám. Nhà nghèo thì ai cũng thế, khi thập tử nhất sinh mới liều tới bệnh viện thôi. Anh cứ đòi lấy cưa để cưa chân mình đi luôn cho khỏi đau…”

Sau chuyến viếng thăm và tặng quà đầu tiên được tổ chức vào đầu tháng 4/2010, Nhóm Blogger Tự Do dự trù vận động nhiều cuộc thăm viếng khác trong tương lai. Ngoài ra, Nhóm cũng gửi thư thăm hỏi và hình kỷ niệm chiến hạm Nhật Tảo HQ10 tới các chiến sĩ Hoàng Sa cư ngụ tại hải ngoại mà Nhóm liên lạc được.Ngoài việc thăm hỏi và tìm cách yểm trợ vật chất các chiến sĩ Hoàng Trường Sa, Nhóm Blogger Tự Do cũng thực hiện 1 blog mang tên “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” ( http://hsatsavietnam. multiply.com )với chủ trương:

•    Thu gom các tài liệu liên hệ tới địa dư, lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

•    Viết bài, phổ biến tài liệu, tham gia các vận động cho mục tiêu bảo vệ Hoàng Sa , Trường Sa và Biển Đông của Việt Nam.

Ngoài việc tiến hành chương trình thăm viếng và hỗ trợ chiến sĩ Hoàng Trường Sa nêu trên, Blog “HS-TS-VN” mong sẽ trở thành một trong những nơi tập trung tài liệu đa dạng về HS và TS cho những ai muốn tham khảo, tìm hiểu. Xa hơn nữa, mong rằng nơi đây sẽ trở thành một điểm hẹn cho những người Việt Nam có lòng với dân tộc, muốn góp sức bảo vệ Tổ Quốc, chấm dứt độc tài, xây dựng dân chủ và canh tân đất nước.


Rạng Đông
trong Nhóm Blogger Tự Do.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen